Kho ngoại quan là gì? Công văn và điều kiện đăng ký kinh doanh

Đối với nhiều người kho ngoại quan vẫn còn là cụm từ khá xa lạ. Đây là từ được dùng nhiều trong lĩnh vực hải quan cũng như phế liệu, nhất là các cơ sở chuyên về phế liệu xuất nhập khẩu. Để có thể hiểu rõ hơn về cụm từ này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết này nhé.

TÌM HIỂU VỀ KHO NGOẠI QUAN

Kho ngoại quan là gì?

Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi được thành lập trên lãnh thổ nước Việt Nam, khu vực này thường được ngăn cách với các khu vực xung quanh. Chức năng của kho ngoại quan là dùng làm nơi tạm lưu giữ, bảo quản hoặc thực hiện một số quy trình đối với hàng hoá từ nước ngoài đưa vào gửi để chờ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.

Các dịch vụ được kho ngoại quan thực hiện

  • Gia cố, chia gói, đóng gói bao bì; đóng ghép hàng hóa; phân loại phẩm cấp hàng hóa, bảo dưỡng hàng hóa.
  • Lấy mẫu hàng hóa để phục vụ công tác quản lý hoặc làm thủ tục hải quan.
  • Chuyển quyền sở hữu hàng hóa.
  • Riêng đối với kho ngoại quan chuyên dùng chứa hóa chất, xăng dầu, nếu đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan và yêu cầu quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan được phép pha chế, chuyển đổi chủng loại hàng hóa.

 

 

MỘT SỐ THỦ TỤC HẢI QUAN TẠI KHO NGOẠI QUAN

Hàng hóa từ nước ngoài hoặc từ nội địa, từ khu phi thuế quan đưa vào kho ngoại quan

Đối với loại hàng hoá này, chủ hàng hoặc người được chủ hàng ủy quyền phải làm thủ tục nhập kho ngoại quan tại Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan.

Hàng hóa từ kho ngoại quan đưa ra nước ngoài hoặc đưa vào nội địa hoặc các khu phi thuế quan

Chủ hàng hoặc người được chủ hàng ủy quyền phải kê khai thông tin hàng hóa xuất kho ngoại quan với Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan.

Trường hợp nhập khẩu vào thị trường Việt Nam thì phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài theo loại hình nhập khẩu tương ứng; thời điểm nhập khẩu thực tế hàng hóa là thời điểm cơ quan hải quan xác nhận hàng hóa đưa ra khỏi kho ngoại quan.

Hàng hóa gửi kho ngoại quan thuộc diện buộc phải tái xuất theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì không được phép nhập khẩu trở lại thị trường Việt Nam.

Hàng hóa vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến kho ngoại quan, hàng hóa từ kho ngoại quan đến cửa khẩu xuất, hàng hóa từ nội địa đưa vào kho ngoại quan và ngược lại

Những loại hàng hoá thuộc các nhóm trên thì phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hóa vận chuyển đang chịu sự giám sát hải quan, trừ trường hợp hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu từ nội địa hoặc hàng hóa khi làm thủ tục nhập khẩu vào nội địa đã mở tờ khai vận chuyển kết hợp.

 

CÔNG VĂN VÀ ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ KINH DOANH KHO NGOẠI QUAN

Để có thể kinh doanh kho ngoại quan, chủ sở hữu phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:

Địa điểm đặt kho ngoại quan

Khu vực đề nghị công nhận kho ngoại quan phải nằm trong các địa điểm sau đây:

  • Cảng biển, cảng hàng không dân dụng quốc tế, cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa, cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế…
  • Khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu phi thuế quan và các khu vực khác theo quy định của pháp luật.
  • Khu vực đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước.
  • Địa bàn ưu đãi đầu tư.
  • Khu vực phục vụ hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản sản xuất tập trung.

Điều kiện về cơ sở vật chất

Kho ngoại quan phải được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng hệ thống tường rào, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan hải quan (trừ kho nằm trong khu vực cửa khẩu, cảng đã có tường rào ngăn cách biệt lập với khu vực xung quanh).

Bảo đảm điều kiện làm việc cho cơ quan hải quan như nơi làm việc, nơi kiểm tra hàng hóa, nơi lắp đặt trang thiết bị kiểm tra hải quan, kho chứa tang vật vi phạm theo quy định của Bộ Tài chính.

Diện tích của kho ngoại quan

Diện tích tối thiểu của kho ngoại quan là 5.000 m(bao gồm nhà kho, bãi và các công trình phụ trợ). Trong đó, khu vực kho chứa hàng phải có diện tích từ 1.000 m2 trở lên.

Đối với kho ngoại quan chuyên dùng để lưu giữ một hoặc một số chủng loại hàng hóa có yêu cầu bảo quản đặc biệt thì phải có diện tích tối thiểu 1.000 mhoặc thể tích chứa hàng tối thiểu 1.000 m3.

Riêng đối với kho ngoại quan nằm trong khu vực cảng phải có diện tích tối thiểu 1.000 m2. Bãi ngoại quan chuyên dùng phải có diện tích tối thiểu 10.000 m2, không yêu cầu diện tích kho.

 

 

Điều kiện về quản lý

Điều kiện về quản lý kho ngoại quan gồm có: Quản lý hàng hóa nhập/xuất, lưu giữ, tồn trong kho ngoại quan theo từng mặt hàng, đối tượng mua hàng, tờ khai hải quan.

Đáp ứng yêu cầu sao lưu, kết xuất dữ liệu để phục vụ công tác báo cáo, thống kê, lưu trữ và được nối mạng trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.

Điều kiện về giám sát hoạt động

Hệ thống camera tại các kho ngoại quan phải đáp ứng được các tiêu chí sau:

  • Quan sát được tất cả các vị trí chính, quan trọng trong kho ngoại quan. Hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/7).
  • Dữ liệu về hình ảnh camera giám sát hoạt động phải được lưu giữ tối thiểu 12 tháng.
  • Hệ thống camera được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.
  • Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành chuẩn trao đổi dữ liệu giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan về phần mềm quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra, hệ thống camera giám sát.

Ngoài ra, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan sẽ còn ban hành thêm một số chuẩn trao đổi dữ liệu giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan về phần mềm quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra cũng như hệ thống camera giám sát.

Những điều kiện công nhận kho ngoại quan trên đây được áp dụng xuyên suốt quá trình hoạt động của kho ngoại quan. Trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan không duy trì được đầy đủ các điều kiện trên thì sẽ bị yêu cầu chấm dứt hoạt động.

 

Trên đây là những thông tin cơ bản liên quan đến kho ngoại quan. Mong rằng, với những thông tin trên, bạn đã có thêm một mảng kiến thức thú vị khác trong cuộc sống.

Nhận xét

Email của bạn sẽ đươc giữ bí mật*